Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thừa Thiên Huế có 437 tàu cá lớn
Ngày 18/9, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tỉnh Thừa Thiên Huế. Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn và làm việc với đoàn công tác có Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phạm Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh cùng các sở, ban, ngành liên quan.
Báo cáo với đoàn công tác, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Đình Đức cho biết, tính đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế có 437/437 tàu cá có chiều dài lớn nhất trên 15 mét lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Tuy nhiên, trên hệ thống chỉ hiển thị thiết bị giám sát hành trình 434/437 chiếc do có 3 tàu cá đã lắp hệ thống giám sát tàu cá (VMS) nhưng nằm bờ, hư hỏng chờ bán.
Đa số tàu cá của tỉnh Thừa Thiên Huế sử dụng dịch vụ viễn thông Vinaphone hoặc số ít do sự cố kỹ thuật nguồn điện kết nối, do đó một số chủ tàu đã sử dụng máy thông tin VX-1700 có tích hợp định vị vệ tinh GPS để liên lạc về trạm bờ theo quy định. Mặc dù vậy, vẫn có 50 lượt với 18 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, phần lớn ranh giới ngoài cửa vịnh Bắc Bộ.
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 385 tàu cá chưa đăng ký, trong đó tàu cá “3 không” (chiều dài lớn nhất từ 12 đến 15 mét) có 36 chiếc và tàu cá “2 không” (chiều dài lớn nhất dưới 12 mét) có 349 chiếc thuộc diện thiếu hồ sơ theo quy định. Hầu hết các loại tàu này đều thuộc nhóm tàu cá cỡ nhỏ, chủ yếu ở bãi ngang ven bờ, sáng đi tối về (câu mực, vây cá nổi) phân bố nhiều nhất tại huyện Phú Lộc. Đến nay, UBND các huyện đang hướng dẫn chủ tàu cá triển khai đăng ký theo Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT ngày 6/5/2024 của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018.
Giải pháp hiện nay, đối với tàu cá “3 không”, “2 không” sẽ chỉ đạo hoàn thành đăng ký trước 30/10/2024 và xử lý dứt điểm trước thời hạn 31/12/2024. Đối với tình trạng tàu cá hết hạn đăng kiểm, hiện nay đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn chủ tàu chấp hành thực hiện theo luật. Xem xét thành lập cơ sở đăng kiểm tàu cá ngoài chức năng quản lý Nhà nước để thực hiện kịp thời cho cho tàu cá tại địa phương và nhiệm vụ này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024.
Tập trung tháo gỡ và triển khai thực hiện IUU
Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề đã được các thành viên trong Đoàn công tác của Bộ NN và PTNT bàn bạc, trao đổi, đánh giá, rút kinh nghiệm để công tác IUU tại Thừa Thiên Huế đạt kết quả cao hơn nữa trong thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác IUU của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, đồng thời tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của Đoàn công tác Bộ NN và PTNT liên quan đến trách nhiệm việc xử phạt, chế độ, chính sách hỗ trợ tàu cá, việc xử lý tàu cá vi phạm...
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, công tác IUU là nhiệm vụ hết sức cấp bách, quan trọng hiện nay. Vấn đề đặt ra ở đây là tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện IUU như thế nào, có khó khăn, vướng mắc gì không để tập trung tháo gỡ, thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các sở, ban, ngành cần nắm chắc tình hình, xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá cố tình vi phạm IUU. Thẳng thắn chỉ rõ những bất cập, tồn tại từ thực tế hiện nay để tập trung khắc phục. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT lưu ý, tỉnh Thừa Thiên Huế cần chú ý đến giải ngân đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng thủy hải sản và tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, cấp bách trong IUU nhằm mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực hơn nữa trong thời gian tới./.