Sáng 16/8, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – xã hội năm 2024. Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà và đồng chí Lê Anh Quân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà, nhấn mạnh, Hội nghị thu hút hơn 150 đại biểu tham gia với 66 đăng ký phát biểu, trao đổi của các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thể thao.
“Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội (y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thể thao) năm 2024 nhằm cung cấp thông tin tình hình hoạt động và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Đồng thời thể hiện vai trò của chính quyền Thành phố đối với việc hỗ trợ, tạo điều kiện, đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, Hội nghị là một nội dung quan trọng trong công tác chỉ đạo điều hành của UBND Thành phố Hà Nội trong năm 2024”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Mở đầu Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội Lê Trung Hiếu, đã trình bày báo cáo tình hình đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, các Chương trình công tác của Thành ủy trong lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa. Đến nay, lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được một số kết quả nổi bật.
Sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố chưa bền vững
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động về lĩnh vực văn hóa – xã hội trên địa bàn Thành phố. Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đến nay các trường học công lập trên địa bàn Thành phố còn thiếu (do chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt) hoặc thiếu đất để xây dựng trường (chủ yếu tập trung tại các quận nội thành). Các quỹ đất mới, đất trống để bổ sung trên địa bàn không còn; Một số xã, phường nằm trong khu vực hành lang thoát lũ, việc xây mới, sửa chữa, cải tạo trường học gặp rất nhiều khó khăn do vướng Luật đê điều.
Hệ thống trường học ngoài công lập còn gặp khó khăn về việc tiếp cận quỹ đất sạch để xây dựng trường học tư thục đối với các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực giáo dục. Khi giao đất để xây dựng trường học cho các doanh nghiệp thường được quy hoạch chỉ một cấp học (Mầm non, Tiểu học, THCS hoặc THPT), nhưng trên thực tế hoạt động hiện nay các doanh nghiệp thường muốn phát triển các trường tư thục có nhiều cấp học liên thông. Việc bổ sung cấp thêm học vào các ô đất đã được giao của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do liên quan đến thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch cần xin ý kiến nhiều sở, ngành.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, thực tế tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại, đa số học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề. Trong khi đó, các trường đại học tại Thủ đô có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, tiêu chí xét tuyển thấp. Do vậy các trường trung cấp, cao đẳng rất khó để cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học.
Sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên chưa bền vững. Chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp chỉ được sử dụng, tuyển dụng lao động phải qua đào tạo nghề nghiệp ở tất cả các lĩnh vực lao động trong khi đó thực tế có nhiều doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông và tự đào tạo kỹ năng cụ thể theo yêu cầu vị trí công việc, bởi vậy việc tháo gỡ công tác tuyển sinh đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất khó khăn, nhất là trình độ trung cấp, cao đẳng.
Đối với lĩnh vực y tế, UBND Thành phố Hà Nội đánh giá, hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn về mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa. Đôi khi doanh nghiệp còn hiểu chưa đầy đủ dẫn đến vô tình vi phạm. Thực tế các thủ tục hành chính nhằm triển khai dự án tương đối phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước khác nhau (đầu tư, xây dựng, y tế, lao động, tài chính,...); việc giải quyết các thủ tục này đôi khi chưa rõ ràng để nhà đầu tư tuân thủ, thực hiện.
Quy định pháp luật về lĩnh vực văn hóa còn bất cập, chồng chéo
Cùng với những tồn tại, vướng mắc kể trên trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế thì lĩnh vực văn hóa cũng được UBND Thành phố nhận định còn những hạn chế trong các quy định của pháp luật còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật, phải tạm dừng hoạt động kinh doanh để khắc phục điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.
Theo UBND Thành phố Hà Nội, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc như: thay đổi nội dung biểu diễn đã được chấp thuận; chưa có quy định về biện pháp thẩm định thông qua Hội đồng nghệ thuật (bao gồm các cơ quan liên quan nếu có); không quy định điều kiện về nhân thân các nghệ sỹ tham gia biểu diễn (bao gồm cả các nghệ sỹ ở hải ngoại và nghệ sỹ là người nước ngoài); khó khăn khi thụ lý, thẩm định, xác định các tác phẩm có vi phạm quy định hay có yếu tố nhạy cảm, phức tạp hay không đối với các chương trình nghệ thuật sử dụng các tác phẩm âm nhạc sáng tác trước năm 1975 hoặc do người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác…
Về hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, việc thực hiện Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 2/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật gặp một số khó khăn về cấp phép địa điểm tổ chức; xác minh nguồn gốc, xuất xứ và quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của các tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh; cấp phép tổ chức triển lãm mỹ thuật, triển lãm nhiếp ảnh… ./.