Mang trong mình niềm tự hào có nghề cha ông truyền lại, người dân làng nghề may áo dài thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa nhiều thế hệ dù bôn ba khắp các tỉnh, thành phố hay ở trong lũy tre làng, vẫn luôn giữ tay kim thoăn thoắt đưa những đường chỉ tạo nên chiếc áo dài mềm mại, nhẹ nhàng, đậm văn hóa dân tộc Việt Nam. Tự hào hơn khi mới đây làng nghề may truyền thống áo dài Trạch Xá đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sự ra đời của làng nghề may Trạch Xá
Cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 60km, làng nghề Trạch Xá (xã Hoà Lâm, huyện Ứng Hoà, Thành phố Hà Nội) từ xa xưa đã nổi tiếng với nghề may áo dài truyền thống. Ít ai biết rằng, ngôi làng này cùng nghề may áo dài truyền thống đã có tuổi đời lên tới hơn 1.000 năm.
Trạch Xá nổi tiếng với nghề may áo dài truyền thống, được truyền lại qua nhiều thế hệ. Cư dân làng Trạch Xá di dân ra nhiều địa phương, mang theo nghề truyền thống của mình tạo thành những thương hiệu may áo dài nổi tiếng, tiêu biểu là các hiệu may áo dài lâu năm ở phố Lương Văn Can, Cầu Gỗ Hà Nội.
Người dân Trạch Xá tự hào rằng bà Tổ nghề may của làng là bà Nguyễn Thị Sen, Tứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng. Là người thông minh, khéo léo và sáng tạo, bà Nguyễn Thị Sen đã làm nên các mẫu quần áo của hoàng đế, cung phi, hoàng thân, quốc thích... Bà dạy các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ phát triển nghề may trong cung vua.
Năm 979, bà Tứ phi Nguyễn Thị Sen đưa các con từ giã hoàng cung về Trạch Xá sau khi nhà Đinh xảy ra biến cố. Bà truyền dạy nghề may cho nhân dân trong làng, để rồi nghề may được cha truyền con nối, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau, đời nối tiếp đời trở thành nghề truyền thống của làng. Ngày 12 tháng Chạp cũng là ngày mất của bà được lấy làm ngày giỗ tổ nghề nghề may Việt Nam. Vào ngày này, con cháu gần xa, các công ty may nô nức về để cung nghinh, tưởng nhớ và tri ân công lao của bà. Ngày 4 tháng Giêng là ngày khai kim, khai kéo, dân làng cùng nhau hội tụ, dâng lễ, đua tài khéo léo tại không gian Đền thờ Tổ nghề.
Trước năm 1980 nghề may áo dài truyền thống ở Trạch Xá phát triển mạnh mẽ. Chiếc áo dài truyền thống của người Trạch Xá bao giờ cũng mềm mại hơn, tha thướt và thực sự quyến rũ, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Chất liệu vải may áo dài ở Trạch Xá chủ yếu dùng là lụa, gấm...
Một điểm độc đáo ở làng nghề Trạch Xá là số đàn ông theo nghề may nhiều hơn phụ nữ do truyền thống từ xa xưa người phụ nữ chỉ được phụ việc cho nam giới. Đến nay, khi xã hội thay đổi quan niệm, người phụ nữ đã được bình đẳng làm nghề như nam giới. Hiện nay, làng Trạch Xá không chỉ may áo dài, áo tế, áo tượng mà còn làm chăn, gối, áo bông, trang phục cho các bộ phim và xuất khẩu các sản phẩm sang Hàn Quốc, Mông Cổ.
Lưu giữ tinh hoa áo dài trong từng đường kim tay dọc
Trải qua thăng trầm nhưng chưa bao giờ nghề may áo dài ở Trạch Xá bị pha tạp bởi xu hướng hiện đại. Kể cả những lúc trào lưu áo dài cách tân chiếm lĩnh thị trường và làm phai nhạt hình ảnh chiếc áo dài truyền thống. Những chiếc áo dài cách tân có thể sản xuất hàng loạt với nhiều kiểu cách, mầu sắc đa dạng cho nên người dùng có nhiều sự lựa chọn hơn so với áo dài truyền thống nhưng qua mỗi năm lại đổi mới theo thị hiếu của người dùng, vì thế khó giữ được nguyên giá trị văn hóa. Áo dài truyền thống chỉ có một kiểu duy nhất, phần nào đó ít được ưa chuộng, nhưng giá trị văn hóa lại tồn tại mãi với thời gian. Chính điều này là nguồn mạch để người dân làng Trạch Xá gắn bó với nghề của mình.
Khác với cách khâu áo của người thợ may nơi khác, người làng Trạch Xá có bí quyết cầm kim tay dọc vô cùng độc đáo. Cách khâu này thay vì kim khâu chuyển động thì lại đứng yên, còn vải thì chuyển động, khớp với từng đường kim. Với kiểu cầm kim tay dọc, người Trạch Xá cầm kim mà như không cầm gì cả. Sản phẩm sau khi hoàn thiện, mép trong áo phẳng như dán hồ, còn mặt ngoài, các mũi chỉ thẳng hàng, đều tăm tắp như trứng nhện. Câu khẩu quyết của làng “trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện” là như vậy.
Một trong những đặc trưng khác làm nên thương hiệu của làng Trạch Xá đó chính là việc không dùng chỉ công nghiệp mà dùng chính những sợi tơ gỡ ra từ tấm vải may áo dài. Với cách làm này, chiếc áo sẽ đồng nhất về chất liệu, không bị cứng hay co giãn khi giặt, tà áo luôn giữ được sự thướt tha, mềm mại.
Nghề may làng Trạch Xá đến bây giờ vẫn giữ được truyền thống là bởi làm hoàn toàn thủ công, những người thợ may tài hoa với đôi bàn tay khéo léo tạo ra những chiếc áo dài truyền thống tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt. Cuối tháng 4/2024 vừa qua, Làng nghề may truyền thống Trạch Xá đã được công nhận là 1 trong 26 Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Lan toả giá trị văn hóa truyền thống
57 năm tuổi đời nhưng ông Đỗ Minh Tám, một nghệ nhân may áo dài trong làng đã có đến 40 năm gắn bó với nghề. Theo lời ông Tám, nghề may nhà mình đã truyền từ rất nhiều đời đến nỗi ông cũng không nhớ nổi. Từ khi 8, 9 tuổi ông đã học cách làm quen với cây kim, sợi chỉ. Đến 15, 16 tuổi đã có thể tự may đã thành thạo các kỹ thuật may và có thể tự may được một chiếc áo dài truyền thống.
Theo ông Tám, trước đây áo dài của Trạch Xá được làm thủ công hoàn toàn. Thợ may của làng ngày xưa chỉ cần mang theo những dụng cụ cơ bản như kim, kéo, thước, vạch… là đã có thể hành nghề.
Ngày nay dù có sự hỗ trợ của máy may công nghiệp nhưng phần hỗ trợ của máy chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. “Máy cũng chỉ dùng để hỗ trợ những đường khâu giấu đi, còn đường may phô ra ngoài thì bắt buộc phải làm bằng tay,” ông Tám chia sẻ.
Ông Tám cũng tiết lộ, khác với cách khâu thông thường, người làng Trạch Xá có bí quyết cầm kim tay dọc độc đáo, “cầm kim mà như không cầm.” Lúc khâu, ngón trỏ bàn tay phải người thợ có nhiệm vụ giữ chắc mũi kim, đồng thời dùng lực ngón giữa của tay phải đẩy cây kim còn các các ngón tay trái sẽ làm nhiệm vụ điều chỉnh vải và điều hướng cho mũi kim bằng cách chuyển động mặt vải lên xuống nhịp nhàng. Cách khâu này khiến tà áo dài mềm mại hơn.
Với kiểu cầm kim tay dọc, người thợ khi khâu áo không hề nhìn thấy kim. Sản phẩm sau khi hoàn thiện, mép trong áo không lộ đường chỉ mà phẳng như dán hồ, còn mặt ngoài vải, có các mũi chỉ thằng hàng, đều tăm tắp. “Trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện” theo đó trở thành một tiêu chuẩn của người thợ may Trạch Xá.
Ngoài kỹ thuật cầm kim tay dọc, áo dài Trạch Xá còn độc đáo khi dùng chỉ may được lấy ra từ chính mảnh vải dùng may áo. Ông Tám cho biết, nếu dùng chỉ công nghiệp khi giặt, là, thân áo sẽ bị co dưới tác động của nhiệt, nước, tà áo dài sẽ bị cứng. Áo dài Trạch Xá khi giặt sẽ không bị co rút, trông rất tự nhiên và mềm mại. Ông Tám cho biết, tháng bận rộn nhất trong năm của làng Trạch Xá là tháng 10 và 11. Bởi thời gian này, người dân làm áo dài để diện Tết.
Ông Đỗ Minh Tám là thợ cả thông thạo may áo dài cho nam giới. Mẫu áo nam cổ được ông Tám thiết kế với những kiểu dáng phỏng theo những mẫu áo xưa đã từng được thợ may Trạch Xá dựng cho vua Bảo Đại và các quan lại Triều Nguyễn.
Tùy theo chất liệu, mỗi chiếc áo dài nam có giá vài triệu, vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng một sản phẩm nhờ sự tinh xảo từ chiếc cúc áo đến đường kim mũi chỉ.
Năm 2004, làng Trạch Xá được công nhận là “Làng may áo dài truyền thống". Trong làng, có rất nhiều cửa hiệu nổi tiếng như Vinh Trạch, Phúc Trạch, Mỹ Trạch ở ngoại thành đến các phố Khâm Thiên, Lương Văn Can, Cầu Gỗ trong nội đô đều do những người con của Trạch Xá làm chủ đã khẳng định được thương hiệu áo dài Trạch Xá với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Trước những biến động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, sự cạnh tranh gay gắt của nhiều thương hiệu áo dài từ các vùng miền khác nhau, các thế hệ Trạch Xá vẫn ngày đêm miệt mài lao động sáng tạo để gìn giữ, phát triển và khẳng định chỗ đứng của áo dài Trạch Xá không chỉ trong nước mà còn góp phần tôn vinh truyền thống văn hóa Việt Nam, nét đẹp phụ nữ Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế./.