Bên trong điện Thái Hòa (Đại nội Huế) được trưng bày đặt các cổ vật và tạo nên một không gian lộng lẫy tôn nghiêm, nguy nga tráng lệ giàu trầm tích lịch sử.
Điện Thái Hòa được xây dựng năm 1805 với thiết kế theo kiểu nhà kép gọi là “trùng thiềm điệp ốc” hay “trùng thiềm trùng lương” (mái chồng lên nhau, nhà nối liền nhau) với diện tích mặt bằng là 1.360m2. Đây là ngôi điện quan trọng bậc nhất trong khu vực Hoàng thành Huế, nơi tổ chức lễ đăng quang của 13 vị hoàng đế triều Nguyễn và được xem là biểu tượng quyền lực của triều Nguyễn, nơi diễn ra các đại lễ và các cuộc họp đại triều với sự tham gia của nhà vua, hoàng thân quốc thích và các đại thần.
Qua ba năm triển khai Dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hoà”, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tuân thủ đầy đủ các quy trình khoa học, từ khảo sát, nghiên cứu đến thực hiện các biện pháp nhằm bảo quản tối đa yếu tố gốc của di tích, quyết tâm gìn giữ cho được hồn cốt của công trình sau khi tu bổ và phải đảm bảo sự bền vững trong kỹ thuật và tôn vinh giá trị mỹ thuật truyền thống. Nội thất trong điện Thái Hòa có các cổ vật như ngai vàng triều Nguyễn (Bảo vật Quốc gia), bình hoa, chậu hoa, bàn án, ghế đôn, cặp rồng đúc bằng đồng… và tạo nên một không gian tráng lệ, tôn nghiêm trang trọng, giàu trầm tích lịch sử.
Theo đánh giá chung, công tác bảo tồn, tu bổ điện Thái Hoà đã thực hiện một cách bài bản, khoa học, đáp ứng và tuân thủ các nguyên tắc về bảo tồn di tích. Hiện nay, điện Thái Hòa đã đón khách vào tham quan với khu vực chính điện Thái Hòa được “vàng son lộng lẫy và uy nghiêm” và có một không gian trưng bày và thuyết minh các cổ vật Cung đình Huế gắn liền với ngôi điện và lịch sử huy hoàng của triều đại giúp du khách hiểu rõ hơn về một thời kỳ vàng son của dân tộc./.