Khúc tình thu – một khát khao giao cảm

15/04/2024 17:16
https://nguoihanoi.vn/khuc-tinh-thu-mot-khat-khao-giao-cam-76646.html

Mùa thu từ cổ chí kim vốn đã là nguồn cảm hứng bất tận cho bao thế hệ thi sĩ. Thơ tình về mùa thu của người Việt, chỉ tính từ thời Thơ Mới đến nay cũng đã có rất nhiều, thậm chí nhiều bài trong số đó đã được phổ nhạc thành những ca khúc nổi tiếng như “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư (Phạm Duy, Hữu Xuân phổ nhạc), “Tỳ bà” của Bích Khê (Phạm Duy phổ nhạc), “Thơ tình cuối mùa thu” của Xuân Quỳnh (Phan Huỳnh Điều phổ nhạc), “Khúc mùa thu” của Hồng Thanh Quang (Phú Quang phổ nhạc), “Yên tĩnh” của Giáng Vân (Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc “Đâu phải bởi mùa thu”)…

anh-dep-ve-mua-thu-ha-noi_110718181.jpg

Mùa thu

Tăm cá vỡ mặt hồ

Sóng chạm vào nỗi nhớ

Tới em

Mùa thu

Tiếng chim gù

Cuối phố

Em còn nhìn bỡ ngỡ

Hai mắt tròn như đôi tiếng chim

Khi lặng lẽ khẽ tìm

Một chấm hè son trên cành phượng

Cái tuổi biết yêu thu đầy mộng tưởng

Mà ngày ơi đã ngắn dần rồi

Thu về chín vỡ trong tôi

Hương bao trái lạ rối bời lời chim

Thu đi để lại bên thềm

Nghìn con mắt lá đang nhìn về đâu

Chúng mình đã lỡ thương nhau

Đừng như thu rụng đôi màu lá thu

Lâm Huy Nhuận

Trong cả một rừng những thi phẩm ấy, “Mùa thu” của Lâm Huy Nhuận vẫn tìm ra được một lối đi riêng. Phần ghi chú về ngày tháng cho ta biết bài thơ được viết từ năm 1978 nhưng mãi hơn 20 năm sau mới được in vào tập thơ “Chiều có thật” (1999), một tập thơ tình nổi tiếng của người con trai thi sĩ Yến Lan.

“Mùa thu” của Lâm Huy Nhuận là một tiếng lòng sẻ chia, một khát khao tình yêu của thi sĩ được bày tỏ qua tiếng nói người con trai. Người yêu lúc này không ở bên, có một khoảng cách xa nhau nhất định, nên thi phẩm mới mở ra bằng nỗi nhớ: “Tăm cá vỡ mặt hồ/ Sóng chạm vào nỗi nhớ/ Tới em”.

Khổ thơ thứ nhất chỉ gồm ba câu. Tình thu mở ra thật khẽ khàng bởi âm thanh rất mỏng, nhẹ. Chỉ là một tiếng tăm cá vỡ. Hình ảnh là cái đập vào mắt ta nhiều hơn. Từ cái mong manh của tăm cá vỡ ấy, những con sóng của nỗi nhớ người yêu cứ lan dần, lan dần.

Mạch thơ chuyển từ xa về gần. Khổ thứ hai cũng gồm ba dòng nhưng số chữ lại ngắn hơn khổ trước, chỉ gồm 7 từ: “Mùa thu/ Tiếng chim gù/ Cuối phố”.

Nếu như khổ thơ đầu nghiêng về hình ảnh thì khổ thứ hai nghiêng về âm thanh. Tiếng chim mùa thu nổi lên và dường như đó là tiếng chim gọi bạn, tiếng chim tìm bạn. Nhưng “cuối phố vẫn còn xa quá, nhịp thơ tiếp tục tiến về gần hơn với lòng mình để hiện ra bóng dáng một người con gái: “Em còn nhìn bỡ ngỡ/ Đôi mắt tròn như đôi tiếng chim”.

Câu thơ thật đẹp và gợi cảm. Tả về đôi mắt của người yêu mà lại tả bằng tiếng chim, không những thế, phải là “đôi tiếng chim”, nghĩa là âm thanh của tình tự, của đôi lứa. Đôi mắt ấy không lời mà giống như đã nói bao điều. Sau khi đã xuất hiện những hình ảnh mùa thu, âm thanh mùa thu thì bây giờ ta bắt gặp những màu sắc: “Khi lặng lẽ khẽ tìm/ Một chấm hè son trên cành phượng/ Cái tuổi biết yêu thu đầy mộng tưởng/ Mà ngày ơi đã ngắn dần rồi”.

Lạ! Đang nói thu bỗng đột ngột dịch chuyển thời gian ngược về mùa hè. Thì ra lòng người đang sợ thời gian trôi đi quá nhanh. Thời gian trôi đi nhanh thì e rằng những ngày tháng yêu nhau cũng dường như ngắn lại. Bởi thế thu vẫn còn đang ở đây mà phải níu kéo những chấm son trên cành phượng và thấy thời gian trôi đi thật rõ rệt, nằm ngoài sự kiểm soát của con người: “Mà ngày ơi đã ngắn dần rồi.

Sau ba khổ với nhịp thơ tự do lúc trầm bổng khoan thai, lúc hối hả níu kéo, khổ cuối của thi phẩm gồm 6 câu bỗng chuyển về thể lục bát đều đặn ngọt ngào như thể thi sĩ không còn che giấu được lòng mình. Đó chính là sự bảy tỏ tình yêu một cách nồng nàn nhất, tha thiết nhất với người con gái của anh:

Thu về chín vỡ trong tôi/ Hương bao trái lạ rối bời tiếng chim/ Thu đi để lại bên thềm/ Nghìn con mắt lá đang nhìn về đâu/ Chúng mình đã lỡ thương nhau/ Đừng như thu rụng đôi màu lá thu”.

Ta thấy một kết cấu vòng tròn thật đẹp mắt đã xuất hiện trong thế tương ứng từng cặp hình ảnh với những khổ thơ đã xuất hiện trước đó. Từ “tăm cá vỡ” ở khổ một phát triển thành “thu về chín vỡ”. Từ “tiếng chim gù cuối phố” đã chuyển thành “rối bời tiếng chim”. Từ đôi mắt của người yêu nay tương ứng với “nghìn con mắt lá”. Nếu như ở những khổ thơ trước đã xuất hiện đầy đủ các hình ảnh, âm thanh, màu sắc thì đến khổ này xuất hiện tiếp làn hương (“hương bao trái lạ”) như thể cho đầy đủ cảm nhận của tất cả những giác quan. Và làn hương của trái lạ - trái mùa thu – trái tình yêu ấy cứ làm lòng người xao xuyến rưng rưng mãi, đến độ phải bật thành lời, thành một khát vọng tình yêu: “Chúng mình đã lỡ thương nhau/ Đừng như thu rụng đôi màu lá thu

Người phương Tây gọi mùa thu là mùa lá rụng, mùa của những chiếc lá lìa cành. Những sắc vàng sẽ nhuộm dần những tàn phai để rồi chia đôi hai nửa, khác biệt với những chiếc lá xanh còn sót lại. Thi sĩ ước nguyện đừng bao giờ có sự chia lìa ấy bởi lứa đôi yêu nhau phải là một sự thống nhất, hòa hợp nguyên vẹn như thể làn hương duy nhất, thanh âm duy nhất, sắc lá duy nhất. Giọng thơ nồng nàn mà vẫn kín đáo bởi tác giả dùng chữ “thương” chứ không dùng chữ “yêu”. Chữ “lỡ” đi trước cho ta cảm giác tình yêu đến lúc nào chẳng hay, nhẹ nhàng mà cũng quá đỗi bất ngờ; nhưng vô cùng tự nhiên như thể một tất yếu.

Từ đầu đến cuối thi phẩm là lời ngỏ của chàng trai. Đất trời mùa thu và tình yêu của lòng người dần được bày tỏ, thổ lộ, đi từ xa về gần. Mùa thu từ chỗ như mới đến đã dâng lên đến đỉnh điểm nồng nàn nhất: “chín vỡ”. Dường như cô gái cũng đã nghe thấy được những tỏ bày rất đỗi chân thành này, để tình yêu của chàng trai không phải là mối tình của một kẻ đơn phương. Ta thầm mong sao đôi lứa ấy sẽ đi đến tận cùng của một tròn đầy: “Đừng như thu rụng đôi màu lá thu”./.


Tin xem thêm

Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt tại Trung Quốc

Văn học nghệ thuật
19/11/2024 10:31

https://nguoihanoi.vn/ra-mat-hai-cuon-sach-van-hoa-viet-tai-trung-quoc-88128.html

Ra mắt tập truyện của nhà văn đương đại nổi tiếng Đài Loan

Văn học nghệ thuật
08/11/2024 09:53

https://nguoihanoi.vn/ra-mat-tap-truyen-cua-nha-van-duong-dai-noi-tieng-dai-loan-87852.html

“Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo về làng nghề thủ công Việt Nam

Văn học nghệ thuật
05/11/2024 10:26

https://nguoihanoi.vn/vang-danh-nghe-co-series-tranh-truyen-doc-dao-ve-lang-nghe-thu-cong-viet-nam-87854.html

Ra mắt cuốn sách của nhà văn người Hàn Quốc viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Văn học nghệ thuật
24/10/2024 10:36

https://nguoihanoi.vn/ra-mat-cuon-sach-cua-nha-van-nguoi-han-quoc-viet-ve-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-87636.html

Tái bản 2 cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng Lý Tự Trọng

Văn học nghệ thuật
16/10/2024 11:21

https://nguoihanoi.vn/tai-ban-2-cuon-sach-ve-cuoc-doi-va-su-nghiep-cua-anh-hung-ly-tu-trong-87485.html

Tái bản nhiều ấn phẩm đặc sắc về Hà Nội

Văn học nghệ thuật
10/10/2024 10:28

https://nguoihanoi.vn/tai-ban-nhieu-an-pham-dac-sac-ve-ha-noi-87393.html

Hà Nội trong tôi

Văn học nghệ thuật
09/10/2024 09:42

https://nguoihanoi.vn/ha-noi-trong-toi-87362.html

Sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài Hải quân Nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2025

Văn học nghệ thuật
26/09/2024 15:23

https://nguoihanoi.vn/sang-tac-van-hoc-nghe-thuat-ve-de-tai-hai-quan-nhan-dan-viet-nam-giai-doan-2021-2025-87098.html

Vinh danh 25 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc năm 2023

Văn học nghệ thuật
20/09/2024 14:20

https://nguoihanoi.vn/vinh-danh-25-tac-pham-ly-luan-phe-binh-van-hoc-nghe-thuat-xuat-sac-nam-2023-86977.html