Trong khuôn khổ của Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) đã tổ chức lễ ra mắt sách “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” ấn bản tiếng Trung vào chiều 16/11. Đây là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Sự kiện do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi và NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây đồng tổ chức.
“Vắt qua những ngàn mây” (tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng, dịch giả Chu Dương, NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây, 2024) và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” (tác giả Vũ Thế Long, dịch giả Thanh Đóa, NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây, 2024) thuộc Tủ sách Văn hóa Việt của Công ty Cổ phần Văn hóa Chi.
“Vắt qua những ngàn mây”(Chibooks, NXB Văn học, 2019) tập hợp những bài viết trong hành trình đi xuyên dải đất hình chữ S của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng. Ở mỗi vùng đất, từ miền phía Bắc Tổ quốc, băng qua dải đất miền Trung nắng gió, tới miền Nam sông nước, tác giả đều ghi lại những câu chuyện cuộc sống sinh động, nơi mỗi vùng đất đều có những đặc sản tạo nên nét đẹp riêng của mình, nơi con người hòa mình trong thiên nhiên, yêu mến và khao khát gìn giữ vẻ đẹp vốn có của quê hương đất nước. Ẩn sau những mất mát hiện thực là khao khát muốn bảo tồn vẻ đẹp và lòng yêu tha thiết mảnh đất của quê hương mình.
Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng cho hay, đây là cuốn sách đầu tiên của anh được xuất bản tại nước ngoài, bởi thế anh rất hạnh phúc và vinh hạnh. Khi đọc cuốn sách này, độc giả sẽ được đi dọc đất nước Việt Nam, đi khám phá những vùng đất, những con người, lưu giữ những tri thức bản địa, những văn hóa bản địa độc đáo, những nghề truyền thống thú vị ở Việt Nam.
Dịch giả Chu Dương chia sẻ: “Tôi nhận lời dịch cuốn sách“Vắt qua những ngàn mây”trước hết do bản thân tôi vô cùng yêu thích nó. Cuốn sách không chỉ giới thiệu cho chúng ta chi tiết về cuộc sống của người dân ở vùng núi phía Bắc Việt Nam mà còn tái hiện những bức tranh tuyệt đẹp về phong tục tập quán nơi đây. Bản thân tôi đã làm việc tại Việt Nam được gần 9 năm. Trong quá trình dịch sách, tôi thật sự cảm nhận được sự đồng điệu giữa tôi và tác giả đã cùng nhận thấy về sự đa dạng sắc màu trong văn hóa phong tục. Cá nhân tôi cũng hy vọng trong tương lai cuốn sách có thể mang đến một cảm giác hoàn toàn mới về Việt Nam cho độc giả Trung Quốc, đồng thời cũng hy vọng sẽ có thêm rất nhiều bạn đọc thông qua cuốn sách này sẽ thật sự tìm đến Việt Nam thăm thú và nhìn ngắm, thật sự gắn kết con người, chúng ta hãy xem thử một Việt Nam chân thực sẽ ra sao.
“Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” của tác giả Vũ Thế Long (Chibooks, NXB Hội nhà văn, 2021) được viết theo thể loại tản văn, khảo cứu, với nội dung ngược dòng thời gian về những năm đầu của thế kỷ 20, để hồi tưởng, để khám phá một thời, người Hà Nội đã ăn uống, chế biến và sáng tạo ẩm thực ra sao, đã “đối xử” thế nào (cự tuyệt, đón nhận, hay thậm chí “đồng hóa”) với những màu sắc ẩm thực mới lạ du nhập vào Thủ đô qua các luồng “di cư”, giao lưu Đông - Tây, Nam - Bắc…
Sự kết hợp giữa trải nghiệm cá nhân của một người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội với sự tìm hiểu tỉ mỉ, kỹ càng của một nhà nghiên cứu từ những văn bản, hiện vật khảo cổ học đến tư liệu “sống” - là các cụ ông, cụ bà thế hệ trước đã đem đến cho độc giả một cuốn sách đầy ắp tư liệu mà vẫn sống động, vẫn rất “đời”, để chúng ta cảm nhận được “chiều sâu” của ẩm thực Hà Nội, của bản sắc văn hóa Hà Nội trong suốt thế kỷ 20 đầy biến động.
“Ăn uống là một mặt rất quan trọng của văn hóa. Tìm ra cái bản sắc của văn hóa ăn uống Việt Nam - Hà Nội và đi sâu hơn nữa, bản sắc trong sự ăn uống của người Hà Nội để rồi từ đó mà gìn giữ, phát huy và phát triển nền văn hóa ăn uống của Hà Nội là điều không kém hệ trọng để xây dựng một nền văn hóa Hà Nội mới”, tác giả Vũ Thế Long chia sẻ.
Còn dịch giả Thanh Đóa thì bộc bạch, chị bắt đầu dịch cuốn sách“Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời”từ năm 2021, khi đang làm việc tại Hà Nội. “Trong lúc đọc sách, tôi cảm thấy bản thân giống như đang cùng trò chuyện với một ông lão, nghe ông ấy kể những câu chuyện ngày xưa. Từ cuốn sách này người đọc có thể hiểu được nhiều những khía cạnh trong cuộc sống của người Hà Nội xưa, hiểu được lịch sử và câu chuyện đằng sau những văn hóa ẩm thực Hà Nội. Ẩm thực trong cuốn sách này như một cánh cửa sổ mở ra cho người đọc thấy những biến đổi trong kinh tế xã hội Việt Nam thời cận đại. Tác giả Vũ Thế Long cũng có những góc nhìn rất đặc biệt, trong mỗi câu chuyện viết ra ông đều truyền tải cảm xúc của mình trong đó”.
Phát biểu trong buổi lễ ra mắt sách, bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc công ty Cổ phần Văn hóa Chi chia sẻ, lễ ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt Nam ấn bản tiếng Trung này không chỉ đánh dấu việc sách văn hóa Việt đã bước ra khỏi giới hạn của ngôn ngữ Việt, lần đầu được dịch ra tiếng Trung và xuất bản tại Trung Quốc mà còn đánh dấu thành quả nỗ lực phấn đấu của Chibooks cũng như cá nhân bà trong hành trình hơn 20 năm đưa sách Việt ra thế giới.
“Hai cuốn sách này với góc nhìn sắc sảo, bút pháp đằm thắm, lôi cuốn sẽ đưa độc giả Trung Quốc hiểu rõ hơn và thêm yêu thích về văn hóa bản địa độc đáo của Việt Nam. Từ đó thêm hiểu, thêm yêu về đất nước, con người Việt Nam. Văn hóa bản địa là một trong những cốt lõi của văn hóa của từng dân tộc. Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng hai cuốn sách đầy ắp những tinh hoa văn hóa Việt này có thể chạm đến trái tim của độc giả Trung Quốc, trở thành chiếc cầu nối bắc nhịp tâm tư tình cảm của người dân hai nước, mở ra một trang sử mới trong việc hợp tác xuất bản hai nước Việt-Trung”, bà Lệ chi bày tỏ.
Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á năm 2024, Công ty Cổ phần Văn hóa Chi còn tham gia tổ chức Lễ ký kết tham gia tổ chức hợp tác xuất bản quốc tế cùng các thành viên khác như Cambodia, Myanmar, Hongkong, Trung Quốc… và Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Công ty Cổ phần Văn hóa Chi với Công ty Truyền thông quốc tế Hoa Sơn với các nội dung tăng cường hợp tác xuất bản, giao lưu văn hóa trong khu vực./.
Tủ sách Văn hóa Việt của Chibooks đã được biết tới với các tác phẩm: "Vắt qua những ngàn mây"(tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng); "Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ", "Nha Trang mùa đẹp nhất"(tác giả Đào Thị Thanh Tuyền); "Bên sông Ô Lâu", "Về Huế ăn cơm", "Huế - chuyện xưa thành cũ"(tác giả Phi Tân); "Người Hà Nội, chuyện ăn, chuyện uống một thời"(tác giả Vũ Thế Long); "Cơm nhà xứ Quảng"(tác giả Lưu Bình); "Phố Hàng Bột, chuyện “tầm phào” mà nhớ"(tác giả Hồ Công Thiết); "Một thời mạ Huế"(tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà), "Vị Huế xưa"(tác giả Lê Thị Ngọc Hà), "Vị quê thương nhớ"(tác giả Lê Hà).