Bút danh của nhà báo, nhà văn Việt Nam là một chủ đề phong phú, độc đáo. Đó không chỉ là một cái tên, mà còn ẩn chứa câu chuyện riêng, gắn liền với kỷ niệm, tình cảm và sự sáng tạo. Dù tên thật hay ngẫu nhiên, mỗi bút danh đều phản ánh một phần tâm hồn và hành trình của người viết.
Thời xa xưa, khi Nho học thịnh hành, các cụ nhà ta hay đặt bút hiệu gắn với một điển cố, một chữ nào đó có nhiều ý nghĩa đi cùng với tên thật như Ức Trai (Nguyễn Trãi), Tố Như (Nguyễn Du), Chu Thần (Cao Bá Quát), Song An (Hoàng Ngọc Phách), Trúc Khê (Ngô Văn Triện)... Cũng có khi để ghi nhớ một lần đỗ đạt, một sự kiện trong cuộc đời thi cử, ví như Đầu xứ Tố (cụ Ngô Tất Tố - đỗ đầu xứ Bắc), Tam nguyên Yên Đổ (cụ Nguyễn Khuyến người làng Yên Đổ đỗ đầu ba kỳ thi Giải nguyên, Hội nguyên, Đình nguyên), Tú Xương (cụ Tú tài Trần Tế Xương). Về sau cũng có các cụ Tú khác như: Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Tú Hói (Xuân Thiều), Tú Nuy (Trần Lê Văn)... lại thêm Tú Sụn, Tú Veo, nhưng là Tú khác, chẳng đỗ đạt gì, là người gầy, là đầu hói, là vui nên đặt vậy!
Nhà thơ Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, quê ở làng Khê Thượng, Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (cũ). Nơi ấy có dòng sông Đà và núi Tản Viên nổi tiếng nên ông ghép hai chữ Tản Đà thành bút danh của mình. Về sau, có rất nhiều người noi gương Tản Đà, lấy tên núi, tên sông, tên làng, quê hương... làm bút danh của mình. Ví như: cụ Nguyễn Khuyến (Tam Nguyên Yên Đổ), Vũ Quần Phương (Quần Phương là tên một làng ở Hải Trung, Hải Hậu tỉnh Nam Định, còn Vũ Ngọc Chúc là tên khai sinh của nhà thơ). Hay như Thu Bồn, tên thật là Hà Đức Trọng nhưng quê ông ở Quảng Nam có sông Thu Bồn nên lấy luôn tên sông làm bút danh của mình...
Đặt bút danh bằng cách rút gọn tên khai sinh là cách phổ biến hơn cả. Ví như Xuân Diệu từ Ngô Xuân Diệu, Huy Cận (Cù Huy Cận), Hữu Mai (Trần Hữu Mai) - con trai ông bây giờ cũng vậy, là nhà văn Hữu Việt (Trần Hữu Việt); Hữu Thỉnh (Nguyễn Hữu Thỉnh), Văn Cao (Nguyễn Văn Cao), Xuân Cang (Nguyễn Xuân Cang), Xuân Sách (Ngô Xuân Sách), Xuân Quỳnh (Nguyễn Thị Xuân Quỳnh), Xuân Thiều (Nguyễn Xuân Thiều),... Nội một chữ “xuân” thôi nước mình đã có đến cả chục, cả trăm nhà báo, nhà văn.
Bút danh do gọi lái, gọi chệch hoặc đảo chữ tên thật cũng có nhiều: Ví như Trần Đăng là từ Đặng Trần Thi, Lữ Huy Nguyên (Nguyễn Huy Lư), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Nguyên Ngọc (Nguyễn Ngọc Báu), Hào Vũ (Vũ Văn Hào)... Lại có kiểu ghép họ bố họ mẹ, tên vợ tên chồng, tên con với nhau như Phan Tứ (Lê Khâm), Đỗ Chu (Chu Bá Bình)...
Các bút danh gắn với những kỷ niệm riêng tư nhiều hơn nhưng đa phần được “bật mí”, nhất là những bút danh có liên quan đến mối tình đầu thời trẻ của người viết. Thí dụ như Nhị Ca. Tên thật của ông là Chử Đức Kính. Thuở đi học có yêu một cô gái Hà Nội tên là Kiệm, ông ghép chữ đầu của hai người lại thành KK, hoặc 2K. Sau này khi viết báo “phiên” thành Nhị Ca. Trường hợp Lê Kim cũng vậy. Vốn tên là Nguyễn Duy Long, lúc còn học ở trường Hàn Thuyên (Bắc Ninh) có yêu vụng, nhớ thầm một người bạn gái cùng lớp tên là Nguyễn Thị Kim. Sau đi bộ đội, vào nghề báo lấy bút danh là Lê Kim để “nhớ mãi mối tình đầu”...
Bút danh của các bậc tiền nhân thường biểu hiện “chí làm trai” hoặc ước vọng. Bút danh của nhiều cây bút trong hai cuộc kháng chiến lại gắn liền với nhiệm vụ chiến đấu. Thế mới có những cái tên như Thiên Binh, Trần Bạch Đằng, Hưởng Triều, Trường Sơn, Nghiêm Túc, Biên Thùy, Lưỡi Lê, Kê Xung Kích, Thao Trường, Đậu Kỷ Luật, Bút Chông, Lê Kim Tiêm, Quân Thủy... Thời hòa bình xây dựng hôm nay, nhà báo cũng gắn với nhiệm vụ, với chuyên mục quen thuộc của một tờ báo nên mới có Ba Thợ Tiện, Lang Thang, Người Quan Sát, Người Dọn Vườn, Lý Sinh Sự, Hoa Lục Bình, Chàng Văn, Kiến Văn...
Bút danh có khi rất khác người, không theo bất cứ một quy luật, một cách thức nào. Ví dụ như: TCHYA (nhà văn Đái Đức Tuấn) được “giải mã” là Tôi Chẳng Yêu Ai, NGYM (họa sĩ Trần Quang Trân) là Người Yêu Mợ, Y Phương (nhà thơ Y Phương tên thật Hứa Vĩnh Sước) - Yêu Phương...; lại có khi chỉ là sự hoán đổi những chữ cái của tên mình, ví như RÍT (họa sĩ Nguyễn Gia Trí) từ chữ TRÍ, OTH (họa sĩ Nguyễn Thọ) từ chữ THỌ...
Có những bút danh do tình cờ mà thành, lại có khi do sự viết sai, mà nên. Ví như Trần Đăng Khoa chẳng hạn. Vốn là Trần Giang Khoa (em gái của Khoa tên Giang) nhưng vì mới đi học nên anh viết là Trần Dang Khoa, đến khi đăng báo, tòa soạn sửa lại thành Trần Đăng Khoa. Cái chuyện viết sai không chỉ thành bút danh mà còn thành cả tác giả nữa. Ví như bài báo “Đêm nay Bác không ngủ” viết ở Điện Biên Phủ năm 1954 của Phạm Phú Bằng sau in lên báo Quân đội Nhân dân lại thành của Trần Cư và Phạm Phú Bằng. Nguyên do là Phú Bằng viết bài, đưa cho Trần Cư lúc đó là thư ký tòa soạn đọc duyệt. Trần Cư ký vào bài, ký thế nào lại liền sát với tên tác giả bài báo. Thế là khi báo ra, bài ấy có hai tác giả, đồng tác giả!
Việc hình thành bút danh lại còn do cả vóc dáng “đặc điểm, nhận dạng” của người viết. Giả dụ như Vũ Cao (tác giả “Núi đôi”) vốn tên thật là Vũ Hữu Chỉnh nhưng do có vóc dáng rất cao, chừng 1,80m nên gọi như vậy. Hay như Xuân Thiều có cái đầu rất hói - nên đã dùng bút danh Tú Hói ký dưới các câu đối Tết; như Nguyễn Trọng Oánh quê Nghệ An, biết chữ nho nên khi làm câu đối thường ký tên Đồ Nghệ.
Lại có chuyện mang vẻ “tâm linh”. Có nhà văn viết mãi không có quyển nào ưng ý bèn đổi bút danh. Ví như nhà văn Nguyễn Khắc Trường - tác giả có đến mấy tập sách mang tên Thao Trường, nhưng phải đến khi ông đổi bút danh bằng tên khai sinh Nguyễn Khắc Trường mới có... “Mảnh đất lắm người nhiều ma”. Là vậy nên có người ra vế đối: “Một khắc can trường/ Văn trường ngay tức khắc!”. Rồi nhà văn Trung Trung Đỉnh vốn tên thật là Phạm Trung Đỉnh, nghe nói lúc trẻ tửu lượng quá xoàng, viết lách cũng nhì nhằng, nhưng đến khi dùng bút danh Trung Trung Đỉnh, cả văn, cả rượu đều khá hẳn. Là vậy nên có người bạn văn tặng vế đối: “Vài chung đủng đỉnh, bê đỉnh rót tràn chung”. Vô tình bút danh của hai ông ghép lại thành ra đôi câu đối... hơi bị khớp: “Một khắc can trường, văn trường ngay tức khắc/ Vài chung đủng đỉnh, bê đỉnh rót tràn chung”…
Nhà LLPB văn học, GS. Phương Lựu (tên thật Bùi Văn Ba), lại lấy tên hai bà mẹ làm bút danh. Chữ Phương là tên bà nhạc mẫu, còn Lựu là bà thân mẫu. Nhà văn, nhà báo Trần Bạch Đằng (tên thật Trương Gia Triều), trong mỗi giai đoạn lịch sử và với thể loại khác nhau, lại có bút danh khác nhau. Khi viết báo chính luận ông ký Trần Quang, tên con trai. Khi làm thơ, ông đề Hưởng Triều, ghép giữa tên vợ và tên thật. Còn bút danh Nguyễn Trường Thiên Lý gắn với tiểu thuyết “Ván bài lật ngửa”, là tên đứa cháu ngoại mà nhà văn yêu quý. Nhà văn Ma Văn Kháng (tên khai sinh Đinh Trọng Đoàn) lại lấy họ và tên lót người anh kết nghĩa Ma Văn Nho, quê Ấm Thượng, Yên Bái làm bút danh của mình.
Ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng vậy, bút danh có người giải mã được, có người cho đến nay còn là một ẩn số. Ví dụ như nhà văn Sương Nguyệt Minh là sự ghép tên mình, tên vợ và tên con ông ấy: Sơn + Nguyệt + Minh, xong tại lỗi đánh máy mà Sơn thành Sương. Nhà văn Uông Triều tên thật là Nguyễn Xuân Ban nhưng vì sinh ra và lớn lên ở vùng than Uông Bí, Đông Triều nên lấy tên Uông Triều. Nguyễn Bình Phương vốn tên khai sinh là Nguyễn Văn Bình khi viết văn thì ký là Nguyễn Bình Phương. Nhà văn Mai Ngữ tên thật là Mai Trung Rạng, nhà văn Thiếu tướng Dũng Hà tên trong hồ sơ cán bộ là Phạm Điệng, nhà LLPB Hồng Diệu tên thật là Đỗ Văn Thuận… và nhiều bút danh của các nhà văn khác vẫn còn là một bí ẩn! Hẹn đến mùa xuân sau, khi truy tìm được xin sẽ lại được hầu cùng bạn đọc!