Người lính và mùa xuân đất nước muôn đời

22/04/2024 10:38
https://nguoihanoi.vn/nguoi-linh-va-mua-xuan-dat-nuoc-muon-doi-84073.html

Nguyễn Khoa Điềm là tác giả lớn của nền thơ Việt Nam hiện đại. Ông góp vào gia tài thơ ca Việt Nam nhiều tác phẩm xuất sắc, trong đó có bài “Đồng dao mùa xuân”. “Đồng dao mùa xuân” được sáng tác vào tháng 12/1994, in trong sách “Thơ Nguyễn Khoa Điềm - Tuyển tập 40 năm do tác giả chọn” (Nxb Văn học, Hà Nội, 2011). Tác phẩm gồm 9 khổ với 33 dòng thơ, theo thể 4 chữ với phong cách đồng dao. Bài thơ được xem là một trong những tác phẩm thành công trong việc khắc họa hình tượng người lính.

Đồng dao mùa xuân

Có một người lính
Đi vào núi xanh
Những năm máu lửa.

Một ngày hòa bình
Anh không về nữa.

Có một người lính
Chưa một lần yêu
Cà phê chưa uống
Còn mê thả diều

Một lần bom nổ
Khói đen rừng chiều
Anh thành ngọn lửa
Bạn bè mang theo

Mười, hai mươi năm
Anh không về nữa
Anh vẫn một mình
Trường Sơn núi cũ Ba lô con cóc
Tấm áo màu xanh
Làn da sốt rét
Cái cười hiền lành

Anh ngồi lặng lẽ
Dưới cội mai vàng
Dài bao thương nhớ
Mùa xuân nhân gian

Anh ngồi rực rỡ
Màu hoa đại ngàn
Mắt như suối biếc
Vai đầy núi non...

Tuổi xuân đang độ
Ngày xuân ngọt lành
Theo chân người lính
Về từ núi xanh…

Nguyễn Khoa Điềm

nguoi-linh.jpg

Nguyễn Khoa Điềm là tác giả lớn của nền thơ Việt Nam hiện đại. Ông góp vào gia tài thơ ca Việt Nam nhiều tác phẩm xuất sắc, trong đó có bài “Đồng dao mùa xuân”. “Đồng dao mùa xuân” được sáng tác vào tháng 12/1994, in trong sách “Thơ Nguyễn Khoa Điềm - Tuyển tập 40 năm do tác giả chọn” (Nxb Văn học, Hà Nội, 2011). Tác phẩm gồm 9 khổ với 33 dòng thơ, theo thể 4 chữ với phong cách đồng dao. Bài thơ được xem là một trong những tác phẩm thành công trong việc khắc họa hình tượng người lính.

Có một người lính không tên…

Bài thơ mở đầu bằng khổ thơ ba dòng thơ vô cùng giản dị: “Có một người lính/ Đi vào rừng xanh/ Những năm khói lửa”. Dữ liệu trong khổ thơ này hết sức mờ nhạt: Có một người lính nào đó đi đánh giặc nơi rừng xanh trong những năm chiến tranh ác liệt. Không hề có thêm bất kỳ thông tin cụ thể nào khác về người lính này như tên, tuổi, quê quán, tham gia mặt trận nào… Tác giả dường như muốn xóa nhòa tất cả, hay đúng hơn, nhà thơ muốn khắc họa một hình tượng người lính không tên như biết bao người chiến sĩ vô danh khác. Điều này khiến người đọc liên tưởng đến hình tượng người lính “ra đi từ mái tranh nghèo” trong bài thơ “Màu hỏa đỏ” của tác giả Nguyễn Đức Mậu: “Có người lính/ mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo/ có người lính/ mùa xuân ấy ra đi từ ấy không về”.

Khi các thông tin về người lính chưa kịp được hé lộ thì ở khổ tiếp theo, chỉ với hai dòng thơ, tác giả đột ngột thông báo về sự hi sinh của người lính ấy: “Một ngày hòa bình/ Anh không về nữa”. Đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất bài thơ xuất hiện hai khổ thơ không theo kết cấu 4 dòng thông thường. Việc tách khổ như trên khiến cho cảm giác đột ngột, hụt hẫng pha lẫn tiếc nuối, xót thương được đẩy lên đỉnh điểm. Đây cũng là lúc tác giả bắt đầu triển khai việc thể hiện hình tượng người lính một cách đầy ám gợi, mang nhiều ý nghĩa biểu tượng trong các khổ tiếp theo.

Sang khổ thơ thứ ba, với điệp ngữ “Có một người lính” lặp lại dòng đầu tiên của bài thơ, cùng thủ pháp đảo chiều thời gian, tác giả quay về khắc họa hình ảnh người lính. Nhưng rồi, trong khổ thơ này, những thông tin về nhân thân của người lính lại một nữa bị lược đi như trong khổ thơ đầu. Tác giả chỉ cung cấp ba thông tin gần như chẳng có ý nghĩa gì về nhân thân của người lính: Chưa một lần yêu, Cà phê chưa uống và Còn mê thả diều. Nhưng đây lại là mấu chốt của toàn bài thơ. Ba thông tin này là ba tín hiệu cho biết một dữ liệu hết sức quan trọng: Người lính trong bài thơ còn rất trẻ, thậm chí còn mang nét đôi nét hồn nhiên của trẻ con. Điều này làm tại lại liên tưởng đến những hàm ý sâu xa của nhan đề bài thơ “Đồng dao mùa xuân”: đồng dao gợi nhắc đến nét hồn nhiên trẻ thơ, mùa xuân gắn liền với tuổi trẻ. Có lẽ, khắc họa hình tượng người lính vô danh đi chiến đấu cho hòa bình đất nước ở thời điểm tuổi đời còn đang rất trẻ, như mùa xuân vừa mới bắt đầu là một dụng ý nghệ thuật của nhà thơ. Chính sự hi sinh mùa xuân tuổi trẻ của người lính ấy cho mùa xuân đất nước muôn đời là vẽ đẹp cao cả nhất của người lính mà tác giả sẽ thể hiện một cách giản dị mà sâu lắng, cảm động trong những khổ thơ tiếp theo.

Cho mùa xuân đất nước muôn đời…

Nếu ở khổ thơ thứ hai, với việc rẽ hướng bất ngờ (từ khổ thơ đầu mới vừa được ba dòng đã chuyển ngay xuống khổ tiếp theo chỉ với hai dòng thơ), tác giả gián tiếp thông báo sự hi sinh của người lính trẻ, thì ở khổ thơ thứ tư, nhà thơ miêu tả một cách chi tiết hơn về sự hi sinh của người lính ấy: “Một lần bom nổ/ Khói đen rừng chiều”. Không gian, thời gian và hoàn cảnh được miêu tả cụ thể hơn. Đó chính là trong một trận bom giữa buổi chiều nơi rừng sâu, người lính đã nằm xuống. Tuy nhiên, đến khi nói về sự hi sinh của người lính trẻ, tác giả lập tức chuyển từ phương thức tả thực sang ẩn dụ: “Anh thành ngọn lửa/ Bạn bè mang theo”. Không chỉ để giảm đi nỗi đau mất mát, hình ảnh ngọn lửa ấm áp, gần gũi, sáng ngời, bền bỉ còn làm cho sự hi sinh của người lính thêm bi tráng, đẹp đẽ. Ngọn lửa ấy cũng như hình ảnh màu hoa đỏ trong bài thơ cùng tên của Nguyễn Đức Mậu đã thắp lên ngời sáng tình yêu quê hương, đất nước cùng lí tưởng hi sinh vì Tổ quốc trong những người lính lặng thầm một thuở.

Trong bốn khổ thơ tiếp theo, giọng thơ bất ngờ chùng lại. Người lính đã nằm xuống. “Mười, hai mươi năm sau”, cuộc chiến cũng đi qua, đất nước cũng đã hòa bình, đồng đội anh được trở về sum họp với gia đình thì “Anh không về nữa”. Giữa “Trường Sơn núi cũ”, “Anh vẫn một mình”, vĩnh viễn gửi lại tuổi thanh xuân tươi đẹp cùng những ngày tháng chiến đấu oanh liệt, gian khó nơi rừng sâu núi thẳm. Không tô đậm nỗi bi thương, cũng không né tránh nỗi đau mất mát, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện sự hi sinh của những người lính trẻ một cách giản dị mà thật sâu lắng, xót xa.
Người lính không còn nữa nhưng hình ảnh anh vẫn còn mãi trong lòng đồng đội. Đó là hình ảnh người lính trẻ, chiến đấu với gian lao nhưng vẫn luôn yêu đời, hồn hậu: “Ba lô con cóc/ Tấm áo màu xanh/ Làn da sốt rét/ Cái cười hiền lành”. Những câu thơ tả thực nhưng cũng mang đậm tính biểu tượng, khắc họa một cách cô đọng mà ám ảnh về những người lính rừng xanh trong hoàn cảnh chiến đấu thiếu thốn, gian khổ. Điều này trước đó cũng từng được nhà thơ Quang Dũng thể hiện thành công qua hình ảnh đoàn binh Tây Tiến với những vần thơ oai hùng: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm”.

gio-truc-chien-tranh-khac-go-cua-hoa-si-mai-lam.jpg
“Giờ trực chiến” - tranh khắc gỗ của họa sĩ Mai Lâm

“Đồng dao mùa xuân” là câu chuyện cảm động về người lính chiến đấu, hi sinh khi tuổi đời chỉ mới đôi mươi. Khi chiến tranh đã lùi xa, người lính nằm lại với rừng sâu lâu rồi nhưng những kỷ niệm về anh trong ký ức, trong nỗi nhớ thương của đồng đội vẫn vẹn nguyên, như mới hôm qua. Người lính đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước và chính anh lặng lẽ hóa thân thành mùa xuân: “Anh ngồi lặng lẽ/ Dưới cội mai vàng”. “Mười, hai mươi năm sau” hay lâu hơn thế nữa, người lính vẫn ngồi lại giữa Trường Sơn, “dưới cội mai vàng” giữa mùa xuân tươi thắm. Tuổi trẻ đẹp tươi của anh đã thành mùa xuân bất tử. Anh vẫn ngồi lặng lẽ, bền bỉ như thế với “Dài bao thương nhớ/ Mùa xuân nhân gian”. Người lính đã không còn nữa nhưng tình yêu đất nước, quê hương trong anh vẫn trường tồn, bất diệt. Khổ thơ tiếp theo: “Anh ngồi rực rỡ/ Màu hoa đại ngàn/ Mắt như suối biếc/ Vai đầy núi non” là những hình ảnh thật đẹp, đậm chất lãng mạn. Như bao người lính đã hi sinh thân mình vì độc lập, tự do của anh tộc, người lính trong bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm đã hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời (trường ca “Mặt đường khát vọng”). Anh gửi lại tuổi thanh xuân đẹp tươi của mình cho mùa xuân đất nước mãi tươi thắm muôn đời. Tuổi xuân của anh đã hòa vào mùa xuân đất nước thiêng liêng. Và chính người lính cũng trở nên bất tử cùng đất nước ngàn đời.

Sang khổ thơ cuối, mạch thơ bất ngờ rẽ hướng. Ở những khổ thơ trước, hình tượng người lính được khắc họa ở những trạng thái “Anh không về nữa”, “Anh vẫn một mình”, “Anh ngồi lặng lẽ”… phảng phất nét buồn thương thì ở khổ thơ này: “Tuổi xuân đang độ/ Ngày xuân ngọt lành/ Theo chân người lính/ Về từ núi xanh”. Trong mạch hoài niệm, nhớ thương, tri ân đồng đội đã ngã xuống của những người lính được trở về, “anh” không còn “một mình”, “lặng lẽ” giữa rừng sâu nữa. Anh hóa thành mùa xuân đất nước, đi cùng năm tháng với đất nước quê hương. Người lính trở về, mang theo mùa xuân đang độ ngọt lành để tô thắm cho những mùa xuân tương lai đất nước. Giọng thơ cũng trở nên thật ngọt ngào, đầm ấm, tươi vui.

Có thể nói, “Đồng dao mùa xuân” là một trong những bài thơ hay, cảm động của Nguyễn Khoa Điềm. Đây là một trong những đóng góp của nhà thơ đối với đề tài người lính trong thơ Việt Nam hiện đại./.

Lời bình của Ths. Trịnh Bích Thủy

Tin xem thêm

Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt tại Trung Quốc

Văn học nghệ thuật
19/11/2024 10:31

https://nguoihanoi.vn/ra-mat-hai-cuon-sach-van-hoa-viet-tai-trung-quoc-88128.html

Ra mắt tập truyện của nhà văn đương đại nổi tiếng Đài Loan

Văn học nghệ thuật
08/11/2024 09:53

https://nguoihanoi.vn/ra-mat-tap-truyen-cua-nha-van-duong-dai-noi-tieng-dai-loan-87852.html

“Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo về làng nghề thủ công Việt Nam

Văn học nghệ thuật
05/11/2024 10:26

https://nguoihanoi.vn/vang-danh-nghe-co-series-tranh-truyen-doc-dao-ve-lang-nghe-thu-cong-viet-nam-87854.html

Ra mắt cuốn sách của nhà văn người Hàn Quốc viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Văn học nghệ thuật
24/10/2024 10:36

https://nguoihanoi.vn/ra-mat-cuon-sach-cua-nha-van-nguoi-han-quoc-viet-ve-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-87636.html

Tái bản 2 cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng Lý Tự Trọng

Văn học nghệ thuật
16/10/2024 11:21

https://nguoihanoi.vn/tai-ban-2-cuon-sach-ve-cuoc-doi-va-su-nghiep-cua-anh-hung-ly-tu-trong-87485.html

Tái bản nhiều ấn phẩm đặc sắc về Hà Nội

Văn học nghệ thuật
10/10/2024 10:28

https://nguoihanoi.vn/tai-ban-nhieu-an-pham-dac-sac-ve-ha-noi-87393.html

Hà Nội trong tôi

Văn học nghệ thuật
09/10/2024 09:42

https://nguoihanoi.vn/ha-noi-trong-toi-87362.html

Sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài Hải quân Nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2025

Văn học nghệ thuật
26/09/2024 15:23

https://nguoihanoi.vn/sang-tac-van-hoc-nghe-thuat-ve-de-tai-hai-quan-nhan-dan-viet-nam-giai-doan-2021-2025-87098.html

Vinh danh 25 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc năm 2023

Văn học nghệ thuật
20/09/2024 14:20

https://nguoihanoi.vn/vinh-danh-25-tac-pham-ly-luan-phe-binh-van-hoc-nghe-thuat-xuat-sac-nam-2023-86977.html