Nhà văn với các xu hướng phát triển của văn học mạng
15/04/2024 14:02
Sáng ngày 10/11, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội và CLB Văn học trẻ Hà Nội đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Nhà văn với các xu hướng phát triển của văn học mạng”.
Tới dự có đại diện Ban Chấp hành Hội cùng đông đảo hội viên và các cây viết trẻ tại Thủ đô.
Văn học mạng là dòng văn học bao gồm các tác phẩm được viết bởi các công cụ kỹ thuật số và nhận những tương tác (giới thiệu, quảng bá, nhận về những phản hồi…) nhờ không gian mạng internet. Với sự phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay, các tác phẩm văn học mạng trở nên “sống động”, phong phú và đa dạng hơn nhờ những hiệu ứng về âm thanh, hình ảnh trên hệ thống internet.
Văn học mạng có mặt tại Việt Nam từ khoảng 20 năm trước, bắt đầu và gắn liền với các nền tảng blog qua các “thời kỳ” như Yahoo, Zingme, Wordpress, Blogspot hay các Forum và sau này là Facebook… Những cây viết là thế hệ thuộc thời kỳ đầu của văn học mạng có thể kể đến như: Trang Hạ, Hà Kin, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Keng… Cho tới nay, dòng văn học mạng đã phổ biến với các thể loại như: xuyên không, trọng sinh, tinh tế, mạt thế, huyền huyễn dị giới, nữ tôn, nam tôn nữ quý, đồng nhân, cung đấu, trùng tộc, bách hợp, đam mỹ, thú nhân, hắc bang...
Buổi tọa đàm “Nhà văn với các xu hướng phát triển của văn học mạng” đã thu hút sự tham gia chia sẻ, thảo luận và trao đổi của các nhà văn trẻ như Nguyễn Vinh Huỳnh, Nhật Phi, Đức Anh, Đặng Thiên Sơn, Minh Trang/ Triều Dương…
Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh cho rằng, cùng với sự phát triển vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, hệ thống văn học mạng là một tất yếu khách quan. Nhắc tới những lo lắng và cảnh báo về những tác phẩm văn học mạng dẫn đến tình trạng vàng thau lẫn lộn, suy đồi, độc hại,... nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh khẳng định rằng đó là một thực tế bình thường và những tác phẩm có giá trị thực sự sẽ sống còn với thời gian.
Việc ứng dụng mạng xã hội làm phương tiện truyền thông với cách làm mới của các tác giả trẻ hiện nay đã mang đến nhiều thành công. Đó là, trong suy nghĩ truyền thống, sau khi có sản phẩm văn chương, các tác giả, nhà xuất bản sẽ sử dụng truyền thông mạng để quảng bá tác phẩm. “Nhưng ở cách làm mới, việc ứng dụng truyền thông mạng đã ở cấp độ sâu sắc hơn nhiều, với nhiều bước khác nhau: hiển thị nội dung bản thảo giúp tác phẩm tiếp cận đến nhiều người (qua đó sẽ có tỉ lệ trúng các độc giả tiềm năng), quy tụ các độc giả tiềm năng về một cộng đồng, giúp họ tương tác và thưởng thức tác phẩm, gia tăng cho họ những trải nghiệm tốt xung quanh tác phẩm, và cuối cùng là khiến họ ra quyết định mua ấn phẩm”, nhà văn trẻ Đức Anh - người đồng sáng lập Linh Lan Books chia sẻ.
Theo nhà văn Đức Anh, các công ty tư nhân đã tham gia chính vào việc thúc đẩy xuất bản từ những tác giả văn học mạng và họ đã thành công với mô hình này - có thể kể tới thành công của các tác giả như Hoàng Yến (Thượng Dương, Dưới cánh đại bàng); Thành Châu(Hỏa dực, Tây Sơn phụng thần ký); Thảo Trang(Tết ở làng địa ngục)... Các tác phẩm được in của họ là một quá trình quảng bá lâu dài, đa kênh, đa hình thức và là sản phẩm cuối cùng của mối liên kết chặt chẽ giữa họ và độc giả, thông qua truyền thông mạng xã hội. Anh cũng mong rằng, ngoài các công ty tư nhân, hi vọng có thêm sự quan tâm từ các đơn vị nhà nước, cùng tham gia vào việc chọn lọc, phát huy trong quá trình thúc đẩy xuất bản văn học mạng.
Là một trong những người thực hiện nội dung cho Chuyên đề Văn+, nhà thơ Đặng Thiên Sơn bày tỏ nỗi trăn trở về việc tìm kiếm và gặp được những tác phẩm thơ chất lượng cho huyên đề. Anh cho hay, theo chủ trương của CLB Văn học trẻ Hà Nội, Chuyên đề Văn+ hướng tới tìm kiếm những sáng tác mới mẻ, độc đáo. “Cũng là thơ, cũng là truyện nhưng là mảnh đất chưa ai xới, hoặc ít nhất cũng không quá cũ. Cho tới nay, Văn+ đã đi đến số thứ 3 nhưng chúng tôi phải tạm gác trang thơ vì chưa gặp được tác phẩm phù hợp với tiêu chí mong muốn. Người làm thơ thì nhiều nhưng chẳng lẽ chúng ta chỉ dừng lại ở việc gieo vần và xuống dòng những cảm xúc? Thơ không chỉ có vậy, mà còn là nghệ thuật, là sự sáng tạo và mang đến những trải nghiệm khác biệt”.
Đại diện Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội, Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khẳng định, cũng như bao thể loại khác, văn học mạng cũng tham gia phản ánh đời sống, hiện thực và những chuyển biến xã hội qua những sáng tác.
Dù có tác phẩm hay và tác phẩm dở nhưng văn học mạng đã góp thêm màu sắc vào bức tranh văn học nói chung. Và cách vận dụng internet, truyền thông mạng xã hội của các tác giả văn học mạng là một điều mà các nhà văn nói riêng và nghệ sĩ nói chung có thể tham khảo để đưa tác phẩm của mình tới công chúng trong thời đại số hóa này./.