Nhân dịp Kỷ niệm 100 năm năm sinh nhạc sĩ - thi sĩ - họa sĩ Văn Cao (1923-2023) nhiều sự kiện văn hóa, văn học nghệ thuật được tổ chức ở Thủ đô Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Tại Hà Nội, Ban Văn học nghệ thuật VOV6 (Đài Tiếng nói Việt Nam) đã tổ chức hội thảo và ra mắt sách “Văn Cao mùa chữ, mùa người” (Nxb Hội Nhà văn, 2023) - một cuốn sách đẹp cả về hình thức, nội dung và có tính chất “cập thời vũ”.
Văn Cao là ai: nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ? Nếu không thể không tính công trạng to lớn của Văn Cao với tư cách tác giả“Tiến quân ca”đã trở thành Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945-1975) và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1976 đến nay) suốt gần 80 năm qua, thì Văn Cao là một thi sĩ từ trong máu huyết, mang số phận và bản mệnh của thiên tài.
Trong cảm thức của nhiều người Việt Nam nói chung, Văn Cao là nhạc sĩ thiên tài, còn trong văn giới thì Văn Cao hiện diện như một thi nhân. Cuốn sách“Văn Cao mùa chữ, mùa người”hẳn nhiên là bình và luận về văn sản chữ của Văn Cao. Ngoài 2 Phụ bản (Phụ bản1/Thơ về Văn Cao; Phụ bản 2/Bìa và minh họa sách của Văn Cao, với 40 trang/ 300 trang), cái “hạt nhân”, “cốt lõi” của sách là nâng niu, trân trọng, thưởng thức thơ Văn Cao. Phải nói như thế vì sự kiện văn hóa này cũng là cơ duyên để bạn đọc trở về với thơ Văn Cao dường như đôi khi bị lãng quên một cách vô tình hay cố ý (!?).
Phần “lõi” của sách“Văn Cao mùa chữ, mùa người”gồm 21 bài viết (dưới dạng nghiên cứu - lý luận - phê bình chủ yếu về thơ Văn Cao, có 2 bài viết của tác giả Lê Thiết Cương và Đỗ Anh Vũ viết tràn bờ sang cả ngành nghệ thuật nhạc - họa, nơi Văn Cao đều có những đóng góp to lớn, xứng đáng được tôn vinh).
Bài viết của các tác giả Bùi Việt Thắng - “Văn Cao thơ hôm qua và hôm nay”, Thiên Sơn - “Những bước ngoặt trong tư duy thơ Văn Cao”,Phùng Gia Thế - “Văn Cao một đường thơ”, Phạm Xuân Thạch - “Người tiên tri cách mạng”,Nguyễn Hoài Nam - “Văn Cao một tiếng thơ “vang vang cả lòng cả đáy”, Nguyễn Thanh Tâm - “Văn Cao - đốt nghìn kinh chưa thắp sáng cuộc đời”,... đều có cái nhìn tổng quan, rộng và sâu về sự nghiệp thơ Văn Cao từ cả bình diện lịch đại và đồng đại, về thi pháp và phong cách.
Những bài viết tổng quan giúp người đọc có được hình dung tương đối đầy đủ về “lý lịch văn học” của một nhà thơ danh tiếng, tuy nhiên trước đây không phải đã được đánh giá đầy đủ và công bằng. Nếu ở dạng chân dung thì “Văn Cao và tôi”của Nguyễn Thụy Kha là có khả năng “chạm” vào một con người - một nghệ sĩ lớn, một nhân cách lớn (tâm và tầm).
Những bài viết khác “điểm huyệt” những nốt nhấn trong thơ Văn Cao của các tác giả Lê Huy Quang (Về hai bài thơ của Văn Cao), Văn Thao (Ngoại ô mùa đông năm 1946), Văn Giá (Thơ “chấn thương” của Văn Cao), Đào Bá Đoàn (Về một bài thơ kinh dị trong tập “Lá” của Văn Cao), Trịnh Thu Tuyết (Nỗi buồn của lá), Trần Xuân Toàn (Hệ thống tín hiệu thẩm mỹ trong ba bài thơ của Văn Cao về Quy Nhơn),...
Đường thơ Văn Cao bắt đầu từ trước Cách mạng tháng Tám 1945, những bài thơ đầu tay còn run rẩy hơi hướng của chủ nghĩa lãng mạn cuối mùa được đăng báo sớm từ 1939-1944.
Thi sĩ Văn Cao quê Nam Định, sinh ở Hải Phòng nhưng quá nửa đời người sống và sáng tác ở Hà Nội. Vì thế không có gì lạ khi Hà Nội in dấu trong thơ Văn Cao với những hình ảnh, cung bậc cảm xúc khác nhau tùy vào “thời tiết” chính trị và những bước đường đời chứa chất éo le của số phận một thiên tài nghệ thuật. Bắt đầu từ “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”(1945), “Ngoại ô mùa đông 1946”(1946), tiếp đến là “Phố Phái”(1967), “Một đêm Hà Nội”(1967). Có những thi phẩm không có hai chữ Hà Nội trong nhan đề, nhưng rõ ràng có hơi hướng, màu sắc, âm thanh, mùi vị Hà Nội, đất Kinh kỳ đặc trưng Kẻ Chợ, Hà thành như “Tuổi già đến”, “Khuôn mặt em”, “Mùa thu”, “Quán bia”, “Đêm quán”, “Thời gian”, “Năm buổi sáng không có trong sự thật”.
Mùa thu Hà Nội là thi liệu, thi hứng, thi ảnh trong thơ Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi. Cũng thế trong thơ Văn Cao, nhưng nếu đọc kỹ sẽ thấy có gì đó rất khác:“Thềm nhà lăn tăn rơi/ Lá me vàng/ Những bóng người loang trên Hồ Gươm/ Mỗi góc phố/ Mỗi góc đường/ Mỗi góc nhà/ Giấu kín một cái bóng cổ kính/ Hà Nội một ngày xưa còn lại/ Tiếng đào hào dựng lũy/ Hà Nội còn lại một ngày xưa/ Một bài thơ ngắn/ Một tiếng hát/ Bao người ngụ cư không tên tuổi/ Không nhớ đến ngày đi/ Chỉ biết hy sinh vì Hà Nội/ Máu bao người thấm đất/ Để người ta mãi nhớ/ Phố phường Hà Nội/ Lúc vào thu...”(Mùa thu, 11/1968). Đọc thơ Văn Cao, tôi chợt nhớ đến câu nói của đại thi hào Đức thế kỷ XIX J. Goethe (Gớt): “Thơ nào cũng là thơ thời sự”. Những người cạn nghĩ thì gắn thời sự với nhất thời, trong khi thời sự trong ý nghĩa đầy đủ nhất của từ này gắn với thế sự - tức là về quy luật muôn đời.
Bài thơ “Mùa thu”được Văn Cao viết vào thời điểm ác liệt của chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam, với ý đồ dã tâm đưa Việt Nam trở về thời đồ đá cũ. Đọc thơ mới thấy người thơ và qua đó thấy cái vĩ đại hiện hiện trong cái bình thường và ngược lại. Nếu nói “Tột cùng văn hóa là con người” thì thơ Văn Cao có điểm tựa văn hóa vững bền, nghĩa là tựa vào những con người bình thường“Không nhớ đến ngày đi/ Chỉ biết hy sinh vì Hà Nội”, hoàn toàn khác cái khẩu khí lãng mạn kiểu tráng sĩ xưa: “Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa/ Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng/ Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm” (Ngày về -Chính Hữu). Đúng là cái đẹp, cái anh hùng, lòng yêu nước có nhiều dáng vẻ. Cái đẹp, cái anh hùng trong thơ Văn Cao mang vẻ đẹp của “lá” (giản dị, giấu mình) bởi: “Ở rẻo cao lá sa mu gọi mưa/ Ở rừng sâu lá thùy dương gọi suối/ Ở biển xa / lá phi lao/ gọi mặt trời” (Đề từ tập thơLá).
Thành tựu thơ Văn Cao, qua các bài viết, còn được đánh giá cao ở phương diện hài hòa cảm xúc và trí tuệ, tình cảm và tư tưởng. Trong bài viết “Văn Cao thơ - hôm qua và hôm nay”, nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng đã dành hẳn một tiểu mục để viếtVăn Cao thơ - đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ, đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim; phẩm tính này thể hiện trong từng dòng thơ, bài thơ và đặc sắc nhất, trội bật nhất là “Năm buổi sáng không có trong sự thật”. Thơ Văn Cao còn là bằng chứng sinh động của văn hóa nhà văn trong “ứng xử” với tiếng mẹ đẻ - Tiếng Việt - “như bùn và như lụa” (Lưu Quang Vũ).
Trong bài viết “Văn Cao, một đường thơ”,nhà phê bình văn học Phùng Gia Thế đã thuyết phục người đọc bằng kết luận xác đáng: “Độ lùi thời gian giúp ta nhìn rõ hơn một Văn Cao vinh quang lẫy lừng bên một Văn Cao buồn tủi. Có điều chắc chắn là, trong những thời đoạn thăng trầm nhất của lịch sử, của đời người, Văn Cao luôn quyết liệt bảo vệ cái mới, không bao giờ phản bội lý tưởng, phản bội chính mình. So với những tài danh nghệ thuật cùng thế hệ, Văn Cao dường như luôn trác việt hơn họ, về mọi nhẽ, cả vinh quang lẫn đắng cay, bởi một điều riêng khác: ông mang phẩm chất và bản mệnh của một thiên tài”.
Nói Văn Cao của hôm qua và của hôm nay còn bởi: “Càng tới gần cái cuộc sống đầy mâu thuẫn đấu tranh là càng đi như gần lại một kho thuốc nổ. Có người dao động sợ hãi và quay lưng. Có người vụng về làm nổ. Nhưng cũng có người can đảm biết làm nổ để mở đường” (Văn Cao -Mấy ý nghĩ về thơ). Có thể nói, Văn Cao là một người mở đường tài năng và tinh anh cho đổi mới văn học nghệ thuật Việt Nam thời hiện đại (từ sau 1954)./.